Hỏi Đáp Sức Khỏe

Hỏi - Đáp Sức Khỏe Sinh Sản

Tập hợp các câu hỏi được nhiều bạn đọc quan tâm nhất
Chu kỳ vừa rồi em theo dõi niêm mạc nhưng xuất hiện dịch, và niêm mạc không đẹp nên bị huỷ. Bác sĩ hẹn đến chu kỳ tiếp sẽ lên theo dõi lại. Bác sĩ cho em hỏi em có cần phải ăn uống thêm gì để niêm mạc đẹp không? Niêm mạc bao nhiêu thì đủ tiêu chuẩn chuyển phôi ạ?

Niêm mạc tử cung đóng vai trò khá quan trọng trong việc làm tổ của thai. Khi chúng ta có phôi tốt mà niêm mạc tử cung không tốt thì đưa phôi vào tử cung, khả năng làm tổ của phôi sẽ kém đi. Vì vậy chuẩn bị niêm mạc tử cung là rất quan trọng trong quá trình làm tổ của phôi. Tất nhiên còn có những yếu tố khác như tính chất niêm mạc tử cung ra sao, một số nghiên cứu đang nói thêm về cấp máu đến tử cung như thế nào nhưng về độ dày là từ 8 – 12mm là tốt nhất cho sự làm tổ của phôi.

Có những trường hợp sẽ có lớp dịch trong buồng tử cung phần lớn là do viêm nhiễm từ ngoài vào hoặc từ vòi tử cung, hoặc từ vết mổ cũ ở tử cung cũng có thể viêm nhiễm gây nên. Dịch này hoàn toàn không có lợi cho việc làm tổ của phôi vì đó là dịch viêm, sẽ làm hỏng niêm mạc tử cung. Với những trường hợp như vậy thì không nên chuyển phôi, nên dừng lại điều trị, đợi chu kỳ sau chuẩn bị niêm mạc lại nếu tốt sẽ chuyển phôi.

Còn chế độ ăn uống thì vẫn ăn uống bình thường, hiện nay vẫn chưa có nghiên cứu nào đưa ra loại thuốc, chất hay thức ăn nào sẽ tốt hơn cho nội mạc tử cung. Trong dân gian mọi người hay nói uống sữa đậu nành, ăn sầu riêng vì trong đó có estrogen nhưng tôi nghĩ estrogen đã qua chế biến hoặc đã đi qua gan rồi thì tác dụng cũng không hiệu quả lắm. Các bạn ăn cũng được, miễn là phải thật thoải mái, đừng có bị vì cố ăn cái đó mà sau đó người khó chịu, mệt mỏi hơn. Tôi nghĩ tốt nhất là chúng ta phải có tình thần thật thoải mái và ăn uống đầy đủ dưỡng chất.

Sau chuyển phôi thất bại, mất khoảng bao lâu sẽ có kinh nguyệt trở lại?

Chào bạn. Sau khi chuyển phôi thất bại thì người phụ nữ dừng thuốc khoảng 2-3 ngày sau sẽ xuất hiện kinh nguyệt trở lại. Bên cạnh đó bạn nên theo dõi tình trạng sức khỏe trong thời gian này.

Nên ăn cháo cá chép, uống nước củ gai thì phôi có làm tổ tốt hơn hay không?

Câu trả lời là Không. Bởi vì mình không cần cung cấp 1 loại thực phẩm nào quá đặc biệt trong giai đoạn này, chỉ cần 1 chế độ ăn uống sao cho đầy đủ, cân bằng là được rồi. Theo các chuyên gia khuyến cáo, mình nên ăn nhiều rau xanh, trái cây và chất xơ. Ăn uống đa dạng các loại thực phẩm, có chứ nhiều sắt, nhiều Canxi, Vitamin và Axit Folic.

** Lưu ý thêm 1 điều nữa hãy nhớ bổ sung Sắt và Axit Folic theo toa thuốc của bác sĩ nha.

Sau chuyển phôi nên nằm bất động một chỗ hay nên vận động sinh hoạt như bình thường?

Sau chuyển phôi, đa số các chị em đều có tâm lý hết sức cẩn thận, hạn chế vận động; thậm chí là nằm một chỗ vì sợ phôi sẽ rơi ra ngoài.

Quan điểm này chưa đúng vì thành tử cung luôn áp sát vào nhau, cổ tử cung đóng kín nên phôi sẽ được giữ lại.

* Một số ảnh hưởng bất lợi nếu như bạn chỉ nằm một chỗ:

– Giảm lượng máu tới tử cung, giảm dinh dưỡng và nội tiết đến nuôi phôi.

– Trong quá trình chuẩn bị nội mạc tử cung bác sĩ có thể sử dụng thuốc làm thay đổi nội tiết trong cơ thể, việc nằm nghỉ một chỗ có thể làm tăng nguy cơ huyết khối và tắc mạch.

– Bạn sẽ cảm thấy không thoải mái do thay đổi thói quen sinh hoạt hằng ngày. Đồng thời việc rảnh rỗi sẽ khiến bạn suy nghĩ nhiều hơn và có thể suy nghĩ theo hướng tiêu cực, ngày càng lo lắng, căng thẳng hơn.

– Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng việc hạn chế vận động sau khi chuyển phôi không những không mang lại lợi ích mà còn có thể làm giảm tỷ lệ có thai.

Một đánh giá khách quan về mối liên quan giữa hoạt động thể chất và tỷ lệ có thai sau khi chuyển phôi trữ đã được tiến hành cho thấy, vận động sau khi chuyển phôi không ảnh hưởng xấu đến tỷ lệ có thai và phụ nữ nên tiếp tục hoạt động đều đặn ngay sau khi chuyển phôi.

Sau Chuyển Phôi Bao Lâu Thì Phôi Sẽ Làm Tổ?

Thực tế còn tùy thuộc vào loại chuyển phôi (chuyển phôi ngày 3 hoặc ngày 5). Theo như sinh lý sau 6-8 ngày trứng được thụ tinh thì phôi sẽ làm tổ trong cổ tử cung, sau khi chuyển phôi được 3 ngày thì phôi sẽ làm tổ. Dấu hiệu cảm nhận phôi đã làm tổ:

  • Đau tức vùng hạ vị
  • Ra máu báo thai

Vì thế, bạn nên theo dõi tình trạng sức khỏe trong thời điểm này và nếu cần thiết có thể đến các phòng khám phụ khoa để được các bác sĩ chuyên môn tư vấn

Có nên nuôi cấy và chuyển phôi ngày 5 hay không?

Theo quy ước, ngày chọc hút trứng được gọi là ngày 0, như vậy ngày hôm sau sẽ là ngày 1, hôm sau nữa là ngày 2..v..v.. nuôi phôi ngày 5 là nuôi phôi đến ngày thứ 5 sau ngày chọc hút trứng.

Vậy ưu và khuyết điểm của nuôi phôi ngày 5 (phôi nang) là gì?

  • Ưu điểm:

+ Gắn với sinh lý bình thường hơn: Các nghiên cứu thực nghiệm cho thấy, phôi vào được đến tử cung, phải ít nhất là 4 ngày mà thông thường là 5 ngày sau khi thụ tinh. Như vậy là sẽ giống như quá trình tự nhiên xảy ra trong cơ thể của người phụ nữ
+ Giống với quá trình chọn lọc tự nhiên (sự tự chọn lọc của phôi): Những phôi nào có sức sống cao thì mới có thể phát triển tiếp đến giai đoạn phôi nang ==>Lưu ý: Là nuôi phôi ngày 5 thì sẽ không làm phôi tốt hơn, bản chất không làm phôi tốt hơn, phôi như thế nào thì vẫn như thế đó.
+ Giảm tình trạng đa thai:Theo khuyến cáo chung, khi chuyển phôi ngày 5 chỉ chuyển 1 phôi mà thôi. Nếu phôi đậu, bà mẹ chỉ mang đơn thai. Trong khi chuyển phôi ngày 3, xu hướng tăng xác xuất thành công, thì thưởng chuyển 2 hoặc 3 phôi. Và trong trường hợp mà 2-3 phôi đều đậu thì phụ nữ sẽ mang đa thai.

  • Khuyết điểm:

+ Tỷ lệ tạo phôi nang chỉ đạt 50-60%

+ Không có phôi ngày 5 (nguy cơ khoảng 1%)

+ Tăng chi phí nuôi phôi

Khi nào cần nuôi phôi lên ngày 5?

+ Có ít nhất 5 phôi ngày 3 từ loại 2 trở lên

+ Có 2 lần chuyển phôi ngày 3 chất lượng tốt (loại 1) mà không thành công

+ Có chỉ định sinh thiết phôi làm xét nghiệm di truyền tiền làm tổ (PGT)

+ Bệnh nhân chỉ định hoặc bệnh nhân yêu cầu

Tỷ lệ thành công khi chuyển phôi ngày 5 như thế nào?

+ Phôi ngày 5: >60%
+ Phôi ngày 3: 40% – 45%

Chỉ Số Beta HCG Sau 10 Ngày Chuyển Phôi Là Bao Nhiêu?

Thời điểm sau chuyển phôi 10 ngày thì kết quả beta hCG lớn hơn 5 nghĩa là bạn đã có thai. Tuy nhiên, kết quả thử beta hCG lớn hơn hoặc bằng 100 thì mới có nghĩa là thai phát triển tốt. Nếu kết quả beta hCG nhỏ hơn 100, bạn cần phải tiếp tục theo dõi thử máu lại mỗi 2-3 ngày vì có thể thai phát triển bất thường như thai ngoài tử cung, thai sinh hóa.

Sau khi các phôi được cấy vào tử cung đã phát triển thành công, thai phụ cần dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, ăn uống đủ chất, vận động nhẹ nhàng phù hợp và đặc biệt là phải siêu âm và khám thai định kỳ để đảm bảo quá trình mang thai được an toàn.

Bạn cần đến bệnh viện để bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán và có phương án hỗ trợ tốt nhất.

Phôi Có Chất Lượng Tốt, Niêm Mạc Tử Cung Tốt, Sức Khỏe Ổn Định Nhưng Kết Quả Chuyển Phôi Thất Bại Thì Ở Các Chu Kỳ IVF Tiếp Theo Bác Sĩ Thường Xử Lý Như Thế Nào?

Chuyển phôi cần liên quan tới việc chuẩn bị niêm mạc tử cung thì có rất nhiều phác đồ khác nhau:

  • Chuẩn bị niêm mạc tử cung bằng hormone thay thế
  • Chuẩn bị niêm mạc tử cung bằng chu kỳ tự nhiên
  • Kích thích nhẹ buồng trứng

Khi bệnh nhân có các chu kỳ trước thất bại, bác sĩ sẽ xem xét nguyên nhân vì sao, phôi có tốt không? Niêm mạc có đủ độ dày không? Phác đồ điều trị lần trước như thế nào? Khi đó, sẽ thay đổi phác đồ bằng cách có thể sinh thiết niêm mạc tử cung để đánh giá hệ miễn dịch của niêm mạc để xem có thể thay phác đồ cho bệnh nhân hay không để tăng tỷ lệ có thai. Bên cạnh đó, cần kiểm tra bệnh nhân chuyển phổi từ ngày bao nhiêu? Ngày 3 hay ngày 5 để xem xét tiếp. Tiếp theo có thể làm thêm các xét nghiệm: sinh thiết phôi để sàng lọc những phôi tốt.

Tốt nhất bạn nên đến các bệnh viện hoặc phòng khám phụ khoa để được tư vấn chuyên sâu hơn. Chúc bạn luôn có sức khỏe tốt.

Thai 4 Tuần Niêm Mạc Dày Bao Nhiêu?

Trước khi trả lời câu hỏi, thai 4 tuần niêm mạc dày bao nhiêu, mẹ cần phải hiểu sự biến đổi niêm mạc tử cung theo chu kỳ kinh nguyệt:

– Đối với niêm mạc tử cung bình thường: Độ dày từ khoảng 7-8mm.

– Đối với giai đoạn đầu chu kỳ (sau khi hành kinh: Niêm mạc tử cung mỏng nhất khoảng 3-4mm.

– Đối với giai đoạn rụng trứng: Độ dày niêm mạc tử cung từ khoảng 8-12mm.

– Đối với giai đoạn nửa cuối chu kỳ: Niêm mạc tử cung dày khoảng 12-16mm.

Như vậy, nếu như kinh nguyệt đến chậm, kết hợp cùng niêm mạc tử cung dày khoảng 8-16mm thì cho thấy mẹ đã thụ thai. Vì thế, khi niêm mạc tử cung dày khoảng 13mm, thử que 2 vạch đậm, khả năng mẹ đã mang thai được 4 tuần tuổi và độ dày niêm mạc tử cung như thế, phù hợp để thai phát triển.

Niêm Mạc Tử Cung Dày 14mm Thử Thai 1 Vạch Thì Có Thai Hay Không?

Thông thường, nội mạc tử cung có độ dày trong khoảng 8 – 10 mm được coi là kích thước lý tưởng nhất cho sự thụ thai ở phụ nữ. Khi đó, trứng thụ tinh có thể làm tổ và phát triển thành thai nhi khỏe mạnh. Nếu kinh nguyệt đến chậm, thử que thử thai lên 2 vạch kết hợp với niêm mạc tử cung dày trong khoảng từ 8-16mm thì đây là một dấu hiệu cho thấy nữ giới đã thụ thai. Với trường hợp của em hiện giờ nếu que thử thai lên 1 vạch, siêu âm không thấy túi thai thì khả năng cao là em chưa có thai dù cho độ dày niêm mạc tử cung của em có độ dày 14mm. Niêm mạc tử cung của em có độ dày tăng lên 14mm rất có thể là dấu hiệu cho thấy em sắp đến ngày hành kinh. Bởi trước ngày hành kinh một vài ngày do lượng hormone tăng đột ngột nên niêm mạc tử cung phát triển mạnh, lúc này độ dày của niêm mạc tử cung có thể dày khoảng 12-16mm. Còn về những dấu hiệu như nôn, chóng mặt, sốt, đau ngực kéo dài 7 – 8 ngày có thể xuất phát từ tâm lý quá mong con của em hoặc do rối loạn kinh nguyệt, bệnh lý hệ tiêu hóa hay một vấn đề bệnh lý khác. Nếu vẫn chưa thực sự yên tâm về kết quả chẩn đoán hiện tại, em có thể tiến hành xét nghiệm máu và siêu âm,xét nghiệm máu lại sau khoảng 1 tuần nữa để chắc chắn hơn về vấn đề mà em đang băn khoăn.

Tôi 32 tuổi, kết hôn 6 năm mà chưa có con. Đi khám, bác sĩ khám chẩn đoán tôi bị tắc 2 vòi trứng, ứ dịch lớn tại loa vòi, được chỉ định làm IVF. Xin hỏi bác sĩ, tôi có cần phẫu thuật cắt vòi trứng rồi mới chuyển phôi không?

Trong trường hợp của chị, thì nên phẫu thuật, sau khi phẫu thuật sẽ đánh giá lại vòi tử cung xem mức độ tổn thương như thế nào, có nên giữ hay là bảo tồn. Lúc đó bác sĩ sẽ quyết định phải làm gì để tốt nhất cho chị. Sau khi làm được phẩu thuật đó thì việc thụ tinh trong thụ tinh ống nghiệm sẽ cao hơn.Vì vậy tôi nghĩ việc phẫu thuật cắt vòi tử cung của chị nên làm sớm để được kết quả cao trong thụ tinh ống nghiệm.

Bác sĩ cho em hỏi, vợ em mới chuyển phôi loại 3, sau chuyển phôi ngày 8, 9, 10 thường hay xì hơi nhiều và có dấu hiệu đau vùng ngực chỉ có một chút, ngoài ra còn cuồn cuộn phía bụng dưới. Vậy khả năng có bầu không bác sĩ?

Việc đậu thai sau chuyển phôi (thai ở giai đoạn sớm) thường không có những dấu hiệu rõ ràng. Vì vậy sau chuyển phôi, bác sĩ cần phải chỉ định xét nghiệm máu beta hcg ivf nhằm kiểm tra tình trạng có thai hay không. Trong những giai đoạn về sau, các dấu hiệu có thai sẽ hiện rõ hơn. Cho nên, những dấu hiệu mà chị liệt kê trên có thể chỉ là ngẫu nhiên mà thôi. Lời khuyên của bác sĩ là chị nên giữ tinh thần thoải mái và tái khám theo lịch hẹn để được thử thai cho kết quả chính xác nhất.